Đây là một bài viết được tôi viết vào năm 2017 và sau hai năm nhìn lại, tôi thấy nó vẫn đúng dù hiện tại tôi không còn làm việc trong lĩnh vực digital marketing nữa.


“Theo đuổi đam mê” là một lời khuyên không tốt chút nào cho tương lai của bạn, trừ khi bạn đã theo đuổi và thực hiện đam mê của mình trong một thời gian dài hoặc bạn thực sự giỏi trong việc đó.

Từ khi đọc xong cuốn So Good They Can’t Ignore You: Why Skills Trump Passion in the Quest for Work You Love của Cal Newport và nhìn lại cuộc đời của mình, tôi tự tin khẳng định rằng, theo đuổi đam mê chưa chắc đã là lựa chọn chính xác cho con đường sự nghiệp của một người. Nhiều khi, chúng ta còn chẳng biết đam mê của mình là gì.

Hành trình của tôi

Con đường sự nghiệp

Nếu bạn hỏi tôi đam mê gì ư, tôi cũng chẳng biết. Nhưng nếu bạn hỏi tôi có hứng thú với những thứ nào thì tôi có cả đống. Cấp một tôi thích các món đồ chơi lắp ráp, tôi mơ ước sau này mình có thể trở thành kiến trúc sư hoặc kĩ sư. Lên cấp hai, khi biết đến máy tính và internet, tôi muốn trở thành một hacker. Vào cấp ba, tôi từ bỏ giấc mơ trở thành hacker và theo đuổi con đường lập trình. Nhưng số phận đưa đẩy, tôi lại học ngành Môi trường tại Đại Học Bách Khoa Thành Phố Hồ Chí Minh.

Ra trường, tôi chẳng thích công việc của một kĩ sư môi trường nên đã ứng tuyển vào vị trí QA (Quality Assurance) của một công ty công nghệ dù sao tôi cũng có một vốn kiến thức về máy tính và lập trình. Cuối cùng, tôi được nhận vào công ty ấy, nhưng không phải ở vị trí QA mà là nhân viên marketing. Lúc ấy, tôi còn chẳng biết và chẳng thích gì về marketing. Đối với một đứa vẫn còn giữ tư duy của sinh viên kĩ thuật thì marketing là chiêu trò của các công ty lớn để bán được sản phẩm. Dẫu thế, tôi vẫn đồng ý với vị trí ấy vì dù sao công ty đó cũng là một công ty có môi trường và văn hoá tốt nhất mà tôi biết lúc bấy giờ. Sau này, khi hồi tưởng lại, tôi thấy đây là lựa chọn đúng đắn của cuộc đời mình vì tôi đã gặp được rất nhiều người tài giỏi và học được rất nhiếu thứ ở đây.

Để làm được công việc content marketing, tôi bắt đầu tự tìm hiểu về công việc của mình và khi ấy cũng chẳng có ai thực sự là mentor của tôi cả. Giai đoạn đầu, tôi cảm thấy rất mông lung vì không biết nên bắt đầu từ đâu ngoại trừ từ khoá mà người tuyển tôi đã để lại: “content marketing”. Tôi đi tìm hiểu về cách viết tiêu đề, cách lên nội dung, tổng hợp bài viết… Dần dần, tôi thấy mình có hứng thú hơn với việc mà tôi đang làm. Tôi đọc hầu như tất cả mọi thứ liên quan đến công việc mà tôi tìm thấy trên Google cho đến khi chẳng còn thứ gì mới mẻ đối với tôi (tôi đã nghĩ như vậy nhưng thật ra đây là một trạng thái tâm lý của một junior). Tôi bắt đầu chán nản. Trong đầu tôi xuất hiện những câu hỏi như liệu đây có phải là công việc phù hợp với mình không, tôi có nên chuyển sang một công việc khác hay không…

Đến lúc tưởng chừng như tôi sẽ thôi việc và tìm kiếm cơ hội mới. Tôi phát hiện ra lĩnh vực của mình chỉ là một phần trong một lĩnh vực khác còn rộng hơn. Content marketing suy cho cùng cũng chỉ là một mảng trong digital marketing. Nó còn có những thứ khác như SEO, social media marketing, email marketing… Tìm được những thứ mới và hay ho, tôi lại lao vào học hỏi và tìm kiếm cơ hội để áp dụng chúng. Nếu đi xa hơn, lĩnh vực của tôi còn có liên hệ đến trải nghiệm khách hàng, bán hàng, tâm lý học… Tôi chợt phát hiện những điều tôi biết sao mà bé nhỏ giữa muôn vàn kiến thức bao la.

Nhìn lại chặng đường sau hai năm, tôi không còn chán ghét marketing hay quảng cáo. Bản thân chúng là những công cụ để xây dựng và phát triển một công ty. Tuỳ vào cách sử dụng mà người khác thấy chúng tốt hoặc xấu. Đối với tôi ở thời điểm hiện tại, tôi rất hào hứng khi người khác muốn tìm hiểu thêm về công việc của tôi và tôi sẵn sàng chia sẻ những gì mình biết khi có cơ hội. Liệu đây có phải đam mê theo như cách mọi người vẫn nghĩ?

Đi tìm kiếm đam mê của bạn

Hãy theo đuổi đam mê

Tôi chưa từng nghĩ marketing là đam mê của mình. Theo Cal và Angela (tác giả của Grit - The Power of Passion and Perseverance) thì theo đuổi đam mê là lời khuyên tồi và không thực tế trừ khi bạn thật sự giỏi ở lĩnh vực mà bạn đam mê. Đa số mọi người phát hiện ra đam mê của mình khi họ gắn bó với công việc được một khoảng thời gian đủ dài. Nhưng để gắn bó được với nó không phải là một chuyện đơn giản một sớm một chiều.

Trong Grit có đoạn:

Passion for your work is a little bit of discovery, followed by a lot of development, and then a lifetime of deepening.

Tạm dịch:

Đam mê cho công việc cần một chút khám phá, theo sau là rất nhiều nỗ lực phát triển, rồi đến cả một đời đào sâu.

Khám phá ở đây có nghĩa là bạn phải tìm những việc khiến bạn thấy hứng thú. Có thể bạn thích nấu ăn hoặc bơi lội. Cũng có thể bạn thích vẽ vời hoặc viết lách. Đi tìm những việc bạn thấy hứng thú. Đừng cưỡng ép bản thân phải thích một thứ gì đó mà bạn không muốn. Dù chúng là gì thì đều phải bắt đầu bằng việc bạn thích làm chúng và chúng có thể nuôi sống bạn.

Khi bạn đã tìm ra được việc bạn thích làm, bạn phải luyện tập nó thật nhiều. Đây là phát triển. Bạn phải trải qua đắng cay ngọt bùi với nó. Dù thất bại hay thành công, bạn cũng nên tập thói quen thực hiện nó mỗi ngày. Nếu bạn thích viết, hãy viết mỗi ngày vài trăm từ. Nếu bạn thích vẽ, hãy vẽ mỗi ngày một thứ gì đó. Luyện tập cho đến khi bạn thành thạo nó.

Khi bạn đã thấy quen thuộc với việc mình đang làm, hãy tăng độ khó lên. Tìm hiểu xem nó có thể ứng dụng theo cách khác hoặc liên hệ với một lĩnh vực khác hay không? Liệu bạn có thể làm gì để gia tăng hiệu quả của công việc hiện tại hay không? Đặt nhiều nữa những câu hỏi giúp bạn mở rộng vốn hiểu biết và kĩ năng không chỉ cho công việc của bạn mà còn cho những lĩnh vực khác. Đào sâu vào. Và đến một lúc nào đó, bạn sẽ tìm ra đam mê của mình.

Sau đó thì sao?

Find a job you enjoy doing, and you will never have to work a day in your life.

—Mark Twain

Đến lúc này thì những lời khuyên về đam mê mới thực sự đúng. Khi phải làm một công việc liên tục trong nhiều năm liền, bạn sẽ không tránh khỏi có những lúc cảm thấy nhàm chán. Đam mê chính là thứ giữ bạn gắn bó với nó.

Tuy nhiên, nếu bạn chỉ có mỗi đam mê không thôi vẫn chưa đủ. Bạn phải đi xa hơn trên con đường sự nghiệp của mình. Rèn luyện bản thân mình trở thành một chuyên gia. Tìm kiếm sự tự chủ trong công việc. Và xác định được mục đích của những việc bạn đang làm. Khi tìm ra mục đích cho công việc của mình, bạn sẽ thấy nó ý nghĩa và đáng trân trọng.

Nếu bạn là người cho đến thời điểm này vẫn chưa tìm được đam mê của chính mình thì bạn hãy thử làm theo cách trên. Tìm những việc bạn cảm thấy hứng thú. Trải nghiệm chúng và lựa chọn ra một công việc bạn yêu thích nhất. Làm đi làm lại công việc đó cho đến khi nó trở thành một thói quen của bạn. Đào sâu và nghiên cứu để phát triển công việc đó và tìm cho nó một ý nghĩa.

Tôi hi vọng bạn sẽ sớm tìm được đam mê cho mình.


Nếu bạn là người thích đọc sách:


Photos by Jesse Bowser and Ian Schneider on Unsplash